Phát hiện bất thường phát triển ngôn ngữ ở trẻ em

Có rất nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc đánh giá tình trạng chậm nói của con. Trẻ chậm nói chỉ là tạm thời, có thể chờ đợi thêm một thời gian hay đây là một tình trạng bệnh lý thực sự, cần sự can thiệp của các chuyên gia y tế? Việc trang bị kiến thức giúp phụ huynh nắm bắt các dấu hiệu báo động tình trạng chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ, từ đó giúp cha mẹ đưa ra quyết định đúng đắn hơn.

1. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ BÌNH THƯỜNG CỦA TRẺ

• Từ 3 – 6 tháng: trẻ bắt đầu chăm chú nhìn vào người nói chuyện. Quay đầu về phía có tiếng động phát ra.

• Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau.

• Nói được nguyên âm “a”, từ “ba”, “bà”.

• Từ 6 – 9 tháng: nói được 2 âm khác nhau như “ma ma”, “pa pa”, bà bà.

• Từ 9 – 12 tháng: trẻ phát âm “ê”, “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ.

• Tùy theo mỗi trẻ, nhưng khi được khoảng 11 tháng hay 1 tuổi có trẻ nói được khoảng 2 – 3 từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà.

• Từ 12-18 tháng: trẻ có khoảng 50 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi trẻ được 18 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau. Ở giai đoạn này, trẻ nói bắt đầu hình thành các trật tự câu.

• Từ 18 tháng đến 2 năm: trẻ nói nhiều từ đôi, gọi tên người, chào hỏi, từ chối. Hiểu những mệnh lệnh đơn giản,quen thuộc.

• Từ 2 – 3 tuổi: trẻ nói rất nhiều, có khoảng 200 từ, trẻ biết chơi giả vờ. Đến 3 tuổi trẻ tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Trẻ biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản.

Trẻ trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/không?. Sau giai đoạn này, trẻ sẽ nói được và sẽ tạo đà cho trẻ phát triển được rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu chuyện dài với nội dung khá logic.

• Từ 3 – 4 tuổi: trẻ nói được các câu phức tạp trẻ bắt đầu sử dụng các ngôn ngữ ấy một cách khá tốt. Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu, tại sao…

2. NGUYÊN NHÂN CHẬM NÓI/CHẬM PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

2.1. Chậm nói do mắc một số bệnh lý:

Một trong những lý do giải thích cho hiện tượng trẻ bị chậm nói đó là em bé đang mắc một số bệnh lý nghiêm trọng có liên quan tới tai – mũi – họng hoặc là hệ thần kinh.

Trong đó, những căn bệnh thường gặp bạn không thể không nhắc tới như: bệnh viêm tai giữa, viêm mạn tính và các bệnh lý khác liên quan tới thính giác. Điều này gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ, các em bé rất khó khăn để hiểu và tập bắt chước lời nói của mọi người xung quanh. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh về lưỡi hoặc vòm miệng, cha mẹ hãy lưu ý cho con đi khám và điều trị sớm. Có như vậy, quá trình tập nói của con sẽ ít bị ảnh hưởng.

Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng hiện tượng trẻ chậm nói thường do em bé mắc bệnh liên quan tới não bộ. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm điều khiển ngôn ngữ, vì vậy khả năng phát triển về ngôn ngữ của bé chậm hơn so với bình thường.

2.2. Chậm nói do ảnh hưởng tâm lý

Tâm lý cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Khi còn bé, nếu con vô tình phải trải qua một biến cố, tai nạn nghiêm trọng nào đó, chúng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của em bé.

Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn để chơi đùa và trò chuyện cùng con ngay từ khi còn bé. Thực tế hiện nay, cuộc sống quá xô bồ, vội vã đã khiến nhiều cha mẹ thiếu quan tâm tới con nhỏ, làm gia tăng tình trạng chậm nói ở các bé, đây thực sự là tình trạng đáng báo động.

2.3. Chậm nói do có rối loạn phổ tự kỷ

Bệnh cạnh những yếu tố kể trên, nếu phát hiện trẻ chậm nói, bạn hãy theo dõi các biểu hiện của con thật cẩn thận và đưa bé đi khám sớm. Bởi vì, trẻ em chậm nói là một trong những triệu chứng thường gặp khi bé mắc hội chứng tự kỷ. Nhìn chung, bệnh lý này gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ bởi vì có sự xuất hiện của nhiều loại gen bất thường. Hậu quả là sự phát triển của hệ thần kinh bị rối loạn khiến em bé có những biểu hiện khác với những đứa trẻ bình thường.

Như vậy, chúng ta tuyệt đối không thể chủ quan nếu như trẻ nhỏ chậm nói hơn so với bình thường. Nếu bạn đã cố gắng tương tác, tiếp xúc với con mà vấn đề trên vẫn không được giải quyết, hãy mau chóng đưa con đi khám nhé!

3. KHI NÀO CẦN CAN THIỆP?

Trước tiên cha mẹ, người thân cần chú ý chăm sóc, quan tâm phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ phù hợp với độ tuổi, và cần can thiệp sớm khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về phát triển ngôn ngữ.

 

DẤU HIỆU ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM

✅ 12 tháng tuổi:

– Không nói được các từ như: baba, măm, mama

– Không sử dụng các cử chỉ điệu bộ như: vẫy tay, lắc đầu, chỉ tay vào thứ con thích

– Không đáp ứng với các từ “không, tạm biệt..”

– Không chú ý theo hướng chỉ tay của mẹ

– Khi 15 tháng bé không nói được từ 1 vài từ đơn.

✅ 18 tháng tuổi:

– Không chỉ được ít nhất 1 bộ phận trên cơ thể khi mẹ hỏi

– Không chủ động giao tiếp hoặc chỉ vào đồ vật khi con muốn.

– Không nói được ít nhất 6 từ

✅ 24 tháng:

– Không đáp ứng với các chỉ dẫn của người khác như: đứng lên, ngồi xuống đây, đóng cửa lại, vứt rác đi….

– Không bắt chước hành động của người khác hay bắt chước phát âm theo người lớn.

– Không ghép được 2 từ để nói

– Không biết chức năng và bắt chước sử dụng đồ vật

✅ 36 tháng:

– Không thực hiện các yêu cầu đơn giản bằng lời

– Không lấy được các đồ vật ở những vị trí khác nhau

– Không gọi tên được sự vật, hiện tượng khi được hỏi

– …..

Nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra. Tùy theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ, nhà trị liệu sẽ có nhiều hình thức can thiệp khác nhau như tư vấn, hướng dẫn cha mẹ huấn luyện ngôn ngữ cho trẻ tại gia đình, hoặc cần kết hợp chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý và bác sĩ để can thiệp thúc đẩy ngôn ngữ ở trẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0985285385
icons8-exercise-96 chat-active-icon