Theo thống kê của Tố chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020 thế giới có khoảng 450 triệu người bị điếc, giảm thính lực trong đó 32 triệu là trẻ em. Điều đó cho thấy, số người có vấn đề về thính lực ngày càng gia tăng. Trong khi ở Việt Nam, thống kê cho thấy, cứ 1.000 trẻ mới sinh thì có khoảng 03 trẻ bị khiếm thính (bị 1 hoặc cả 2 tai).
Đại diện Bộ Nội vụ trao Quyết định thành lập Hội Thính học Việt Nam
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, tuy giảm thính lực và điếc là một dạng khuyết tật nặng, nhưng lại chưa có được sự quan tâm đúng mức, cả từ các cơ quan chuyên môn cũng như trong cộng đồng.
Chúng ta đều biết, chức năng của tai là dùng để nghe và đương nhiên bản chất của việc hình thành tiếng nói là sự lặp lại những gì trẻ đã nghe được và học theo. Theo đó, nếu trẻ không nghe được thì đồng nghĩa với việc trẻ cũng không thể nói được. Việc không giao tiếp được bình thường dễ dẫn đến những thay đổi bất thường trong tâm lý của trẻ. Trẻ khiếm thính thường dễ bị cô lập và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trong thực tế, người khiếm thính, ngay cả người lớn, không dễ gì có thể tìm lối đi riêng cho mình, do những hạn chế tiếp cận giáo dục, nguồn kinh tế và cơ hội được cọ xát để có thể dám nghĩ dám làm. Các tổ chức của người khiếm thính thường chỉ tập trung vào việc học tiếng Việt, giao lưu, sinh hoạt, dạy ngôn ngữ ký hiệu. Ngoài các trường chuyên biệt và một số trường có nhận trẻ khiếm thính học hòa nhập, cộng đồng khiếm thính hầu như chưa có các dịch vụ nào khác để giúp họ bước từ trường học ra trường đời, giúp họ rút ngắn khoảng cách quá cách biệt giữa thế giới không âm thanh và thế giới sôi động bên ngoài…
Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các dụng cụ trợ thính, các phương pháp điều trị mới đã giúp cho người có vấn đề về thính giác có cuộc sống dễ chịu hơn, có nhiều cơ hội hơn khắc phục những hệ lụy do khuyết tật gây ra. Tuy vậy, những hệ lụy do khiếm thính gây ra vẫn ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý người bệnh, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng và các cơ quan chuyên môn.
PGS.TS.BSCC Nguyễn Tuyết Xương phát biểu tại Hội nghị
Để góp phần giúp đỡ những người khiếm thính nói chung và trẻ em khiếm thính nói riêng, cũng như góp phần tăng cường các hoạt động nghiên cứu, phổ biến kiến thức về khiếm thính, sau một thời gian tích cực vận động và chuẩn bị, ngày 08/4/2022 đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Thính học Việt Nam. Tại Đại hội, Đại diện của Bộ Nội vụ đã trao Quyết định về việc cho phép thành lập Hội Thính học Việt Nam. Đó thực sự là tin vui đối với những người khiếm thính và cộng đồng.
Trên cơ sở Điều lệ và Quy chế đã được thông qua, Hội Thính học Việt Nam có vai trò, chức năng khá sâu rộng và cũng rất thiết thực, với mục đích cao nhất là phục vụ, giúp đỡ ngày một tốt hơn cho người khiếm thính nói riêng và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong nghiên cứu, điều trị bệnh khiếm thính nói chung. Điều đó thể hiện cụ thể ở những nội dung sau:
Hàng năm, Hội Thính học Việt Nam Tổ chức Hội nghị khoa học Thính học; Tổ chức hội thảo chuyên đề về Thính học; Tổ chức Hội nghị Thính học quốc tế tại Việt Nam.
Trong công tác đào tạo, Hội sẽ tổ chức các lớp đào tạo ngản hạn và dài hạn cho các kỹ thuật viên thính học toàn quốc; Tổ chức các khóa Phẫu tích xương thái dương cho các bác sĩ phẫu thuật viên; Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao về Thính học.
Ban chấp hành Hội Thính học Việt Nam khóa I ra mắt Đại hội
Cùng với đó, Hội Thính học tích cực kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ với những bệnh nhân khiếm thính, gồm cả người lớn và trẻ em; Tư vấn giúp đỡ người khiếm thính dùng thiết bị trợ thính sao cho hiệu quả. Hội sẽ xin ra mắt Tạp chí Thính học Việt Nam để đăng tải những thông tin, nghiên cứu về Tai – Thính học trên cả nước…
Để thực hiện tốt vai trò, chức năng như vậy, Hội Thính học Việt Nam rất cần có được sự hợp lực chung, sự ủng hộ, giúp đỡ, sẻ chia, phối hợp của các ngành, các cấp, của các nhà khoa học, các cá nhân, đơn vị trên cả nước.
Cũng với tinh thân đó, tại Đại hội lần thứ Nhất Hội Thính học Việt Nam ngày 08/4/2022, với sự nhất trí cao (100%), Đại hội đã bầu các chức danh chủ chốt của Ban Thường vụ Hội Thính học Việt Nam, gồm:
- PGS. TS.BSCC Nguyễn Tuyết Xương – Chủ tịch Hội
- PGS. TS Đặng Xuân Hùng – Chủ tịch danh dự của Hội
- PGS. TS Phạm Thị Bích Đào – Phó Chủ tịch Hội
- PGS. TS Đặng Thanh – Phó Chủ tịch Hội
- TS Nguyễn Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Hội
- BS CK II Nguyễn Văn Xáng – Phó Chủ tịch Hội
- TS Nguyễn Xuân Nam – Tổng Thư ký Hội